Như bao đứa trẻ khác, Hiếu sinh ra trong một gia đình có đủ bố và mẹ. Bất hạnh ập xuống gia đình em lúc Hiếu vừa sinh ra đời được 36 ngày tuổi, mẹ em mất. Bốn năm sau, bố cũng qua đời để lại Hiếu bơ vơ trong ngôi nhà đã từng hạnh phúc. Nhà nghèo, mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng cậu học trò luôn nỗ lực vươn lên, ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập được nhiều người yêu mến. Đó là tấm gương vượt khó của em Phạm Trần Trung Hiếu, học sinh lớp 4B, Trường Tiểu học Ninh Phong – thành phố Ninh Bình.
Cậu học trò có dáng người cao gầy, đôi mắt sáng. Hiếu rất ít nói và khiêm tốn. Mấy lần tôi hỏi chuyện về gia đình Hiếu buồn và trầm ngâm. Hoàn cảnh của Hiếu là một câu chuyện trải qua nhiều biến cố tôi biết được qua lời kể của bác ruột Hiếu – người nuôi Hiếu bây giờ.
Hiếu sinh năm 2006. Cách đây 10 năm, mẹ Hiếu – chị Phạm Thị Sinh không may mắc phải bệnh u não đã qua đời khi đó Hiếu mới chào đời được 36 ngày tuổi. Thật bất hạnh cho em! Thời gian em cần sự yêu thương, chăm sóc, chở che của mẹ nhất thì mẹ đã bỏ em ra đi vĩnh viễn. Thế là em không bao giờ được gọi tiếng “mẹ”thiêng liêng, không bao giờ được nhìn thấy mẹ nữa.., có chăng sau này em lớn, em được nhìn thấy người mẹ của mình qua bức ảnh thờ. Khi mẹ mất Hiếu còn quá nhỏ, người cha của Hiếu là ông Phạm Văn Hạnh (sinh năm 1963) phải một mình vất vả “gà trống nuôi con”.
Cứ nghĩ nỗi buồn của gia đình em khi thiếu đi người mẹ rồi cũng sẽ qua đi theo thời gian, để hai bố con cùng nhau cố gắng vươn lên mà sống. Quãng thời gian Hiếu không còn mẹ, bù đắp lại Hiếu cũng được tình yêu thương của người cha và những người anh em họ hàng. Cuộc sống không có mẹ, bố con sum vầy bên nhau chỉ là thời gian ngắn, rồi lại rơi vào tuyệt vọng khi ông Hạnh bị bệnh đột tử qua đời. Số phận thật nghiệt ngã, một lần nữa lại cướp nốt người cha khi em mới 4 tuổi, cái tuổi hơn bao giờ hết cần có cha, có mẹ ở bên. Vậy mà em đã trở thành trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ khi tuổi đời còn quá non dại, ngây thơ…Lúc này chỉ còn mình Hiếu bơ vơ.
Bác ruột của Hiếu – ông Phạm Văn Hưng là người thân đã đứng ra đùm bọc, nuôi nấng Hiếu. Cứ thế Hiếu được lớn lên trong tình thương của bác ruột và sự che chở của họ hàng. Hai bác đã coi Hiếu như con ruột, nuôi Hiếu ăn học cho bằng bạn bằng bè.
Dường như biết được số phận của mình, Hiếu cũng luôn nỗ lực vươn lên trong học tập cũng như trong cuộc sống. Nếu tiếp xúc với Hiếu ta bắt gặp ngay được sự cứng cáp hơn so với lứa tuổi. Hiếu có vẻ “người lớn” hơn trong mọi việc làm. Ở trường Hiếu luôn là một học sinh ngoan, chăm chỉ học tập, vâng lời cô giáo, gần gũi yêu thương , đoàn kết với bạn bè. Về nhà Hiếu là người cháu biết vâng lời bác, luôn kính trên nhường dưới. Ngay từ năm em học lớp 1, biết được hoàn cảnh của Hiếu, Ban giám hiệu nhà trường, các thầy cô giáo, các bạn học sinh trong trường đều dành cho cậu học trò mồ côi một sự cảm thông sâu sắc và luôn động viên để em nỗ lực vươn lên. Ngoài sự động viên về tinh thần, mọi khoản đóng góp của Hiếu đều được nhà trường miễn. Có sự giúp đỡ nào từ nhà trường, từ các tổ chức xã hội, Ban giám hiệu nhà trường cũng dành sự ưu tiên đặc biệt cho Hiếu đầu tiên như: Quà của chương trình “Xuân đầm ấm, Tết yêu thương”; Quà Tết của cán bộ, giáo viên, học sinh trong toàn trường; Quà Trung thu “Đêm hội trăng rằm”; Quà tặng “áo ấm mùa đông”; Quà chương trình “Mổ lợn nhựa tiết kiệm”…Còn tôi là một giáo viên chủ nhiệm trực tiếp giảng dạy em, là người có cơ hội được gần em nhiều nhất khi ở trường nên tôi luôn dành tình thương của một cô giáo – người mẹ hiền thứ 2 để có thể xoa dịu một phần nỗi đau em đã mất mát.
Chia sẻ về ước mơ của mình, Hiếu nói: “Em sẽ cố gắng học thật giỏi để trở thành người tốt, một bác sĩ giỏi, chữa bệnh cho mọi người, làm được nhiều việc tốt giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn như em.”